Cây xanh Công Minh bị khởi tố, phanh phui cả hệ sinh thái, liên minh khắp cả nước

Cây xanh Công Minh
Chụp lại hình ảnh, Vụ việc tại Công ty Cây Xanh Công Minh đã được Bộ Công an điều tra từ thời ông Tô Lâm làm bộ trưởng, giờ đây đã được khởi tố dưới thời Bộ trưởng Lương Tam Quang

Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố liên quan để điều tra ba nhóm tội, trong đó có tội danh tham nhũng.

Trong buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an trong sáu tháng đầu năm vào chiều 8/7, Đại tá Nguyễn Tuấn Hưng, Cục Phó A09, cho biết sau khi tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm có liên quan đến Công ty Công Minh, A09 đã ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin từ ngày 8/1.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 8/5, A09 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra 3 tội danh gồm: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" - thuộc nhóm tội danh tham nhũng.

Dù đã khởi tố vụ án nhưng Bộ Công an vẫn chưa khởi tố bị can nào.

Việc Cơ quan An ninh, chứ không phải Cơ quan Cảnh sát, là bên xử lý vụ án cho thấy đây có thể là vụ án "đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", theo Điều 16 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Thực tế đã cho thấy, Bộ Công an đã yêu cầu hàng loạt tỉnh thành cung cấp hồ sơ, dự án trồng cây đô thị liên quan Công Minh để xác minh dấu hiệu tội phạm bao gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Gia Lai…

Xây dựng hệ sinh thái, liên minh khắp nơi

Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Công ty Cây xanh Công Minh được xác định là "đã thông đồng với chủ đầu tư để được tham gia vào các gói đấu thầu từng giai đoạn, lập dự án, xây dựng tổng mức đầu tư".

Sau khi giá thầu được phê duyệt, Công ty Cây xanh Công Minh được chỉ định trúng thầu hoặc sử dụng các công ty thuộc Công ty Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Kết quả rà soát của Bộ Công an cho thấy có hơn 50 công ty thuộc hệ sinh thái của Công ty Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu trên 600 gói thầu ở nhiều địa phương với số tiền trúng thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Báo chí mô tả Công Minh là công ty có khả năng trúng thầu "vô địch". Công ty này đã tham gia 228 gói thầu, trong đó trúng 172 gói, trượt 37 gói, 14 gói chưa có kết quả và 5 gói đã bị hủy.

Các gói thầu mà công ty này trúng trải dài trên 19 tỉnh, thành phố trên cả nước và nhiều nhất ở các địa phương như Bình Phước, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An; Tây Ninh... Các gói thầu này thường có giá trị từ vài tỷ đồng cho đến vài chục tỷ đồng, theo báo Dân Việt.

Dù A09 chưa nêu chi tiết nhưng một số báo như Pháp Luật TP HCM đã có bài viết phân tích về cách thức làm ăn của Công ty Cây xanh Công Minh để "vô địch trúng thầu": thay đổi người đại diện pháp luật liên tục, tăng vốn điều lệ, xây dựng hệ sinh thái để liên minh nhằm tăng khả năng trúng thầu.

Một số công ty được cho là thuộc hệ sinh thái của Cây xanh Công Minh được báo chí nêu tên gồm: Công ty TNHH Công Minh Cây xanh, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Việt Nam Xanh, Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Hà, Công ty TNHH Cây xanh Mina...

Báo Công Thương đưa tin, địa chỉ trụ sở Công Minh Cây Xanh tại 233/8 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TP HCM là địa chỉ nhà riêng của ông chủ.

Công ty Công Minh trúng hàng loạt gói thầu bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn Trà Vinh

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh, Công ty Công Minh trúng hàng loạt gói thầu bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn Trà Vinh

Ở Đắk Nông, Công ty TNHH Công Minh Đắk Nông được thành lập vào tháng 12/2014 tại Gia Nghĩa với chủ sở hữu là ông Nguyễn Công Minh.

Đến tháng 2/2017, công ty này được ông Nguyễn Công Minh đổi tên thành Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam Xanh (gọi tắt là Công ty Việt Nam Xanh).

Sau đó, ông Lê Đình Thanh giữ chức vụ giám đốc Công ty Việt Nam Xanh và là người đại diện pháp luật của công ty thay cho ông Nguyễn Công Minh.

Theo báo Pháp luật TP HCM, tính đến tháng 3/2023, Công ty Việt Nam Xanh đã có tới 11 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ở Đắk Nông và tăng vốn điều lệ lên 10 tỉ đồng.

Dù đổi tên thành Công ty Việt Nam Xanh nhưng tên giao dịch vẫn là Công ty TNHH Cây xanh Công Minh Đắk Nông.

Đáng chú ý, công ty Việt Nam Xanh liên tục đổi người đại diện pháp luật trong các dự án mà công ty trúng thầu trên địa bàn Đắk Nông, cụ thể:

  • Từ năm 2020 đến 2021, đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quân
  • Từ năm 2021 đến 2022, đại diện pháp luật là ông Lê Đình Thanh
  • Từ năm 2022 đến 2023, đại diện pháp luật là ông Huỳnh Văn Lai và sau đổi thành ông Châu Ngọc Tú

Ông Nguyễn Quân và ông Lê Đình Thanh sau này lại chuyển sang làm người đại diện cho các công ty được cho là thuộc hệ sinh thái của Công Minh.

Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Hà được thành lập ở Gia Nghĩa từ năm 2002 và trúng các gói thầu trồng, chăm sóc cây xanh, dọn vệ sinh. Theo báo Pháp luật TP HCM, công ty này cũng sáu lần thay đổi người đại diện pháp luật. Trong đó, có ông Lê Đình Thanh làm người đại diện pháp luật vào tháng 7/2022 và ông Nguyễn Quân thay cho ông Thanh vào tháng 4/2024.

Sơ đồ thể hiện quan hệ giữa Công ty TNHH Công Minh Đắk Nông và một số công ty khác, thông qua người đại diện pháp luật
Chụp lại hình ảnh, Sơ đồ thể hiện quan hệ giữa Công ty TNHH Công Minh Đắk Nông và một số công ty khác thông qua người đại diện pháp luật

Ngoài ra, còn có Công ty TNHH Cây xanh Mina ở Gia Nghĩa cũng trúng nhiều gói thầu chăm sóc cây xanh và cũng có hiện tượng thay đổi người đại diện liên tục. Ông Nguyễn Quân cũng từng là đại diện pháp luật cho Cây xanh Mina này.

Công ty Cây xanh Công Minh được thành lập năm 1993, Chủ tịch HĐQT là Nguyễn Công Minh. Ông này từng được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2019.

Công ty Cây xanh Công Minh có trụ sở giao dịch ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thi công, chăm sóc công trình cây xanh đô thị, khu công nghiệp, cơ quan, nhà riêng; sản xuất và cung cấp cây giống nông, lâm, công nghiệp.

Theo thông tin công bố dịp kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển (năm 2019), Công ty TNHH Cây xanh Công Minh có 1.600 cán bộ, nhân viên với 63 văn phòng đại diện ở 52 tỉnh, thành trong cả nước.

Thêm nhiều quan chức vào 'lò'?

Như đã lưu ý phía trên, bên khởi tố vụ án Cây xanh Công Minh là Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an A09 chứ không phải Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03).

Xét các án kinh t ế nổi cộm gần đây gồm Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn...thì C03 là bên điều tra, khởi tố. Để hiểu vì sao vụ Cây xanh Công Minh cũng có yếu tố tham nhũng, nhưng A09 lại là bên xử lý, cần xem xét Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.

Theo Điều 16 của luật này, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) là "điều tra vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", "kiểm tra hoạt động điều tra xử lý của cơ quan an ninh điều tra công an cấp tỉnh".

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và tiến hành điều tra các vụ án hình sự về tội phạm khác theo thẩm quyền được giao.

Một luật sư giấu tên nói với BBC rằng, trong trường hợp C03 "quá tải" thì lãnh đạo Bộ Công an có quyền yêu cầu bên Cơ quan An ninh điều tra làm án, đặc biệt là một số vụ việc lớn.

Đơn cử, đại án Chuyến bay giải cứu được đánh giá là "vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành" và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an là bên khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, khởi tố hàng loạt quan chức, cán bộ.

Trong vụ án Cây xanh Công Minh, đã có gần 20 tỉnh thành trực thuộc trung ương phải cung cấp hồ sơ về các gói thầu của công ty này.

Như vậy, ở đây có yếu tố "vụ án hình sự về các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Nhiều quan chức cao cấp bị đưa ra xét xử trong vụ 'Chuyến bay giải cứu', trong đó có cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Tô Anh Dũng và ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhiều quan chức cao cấp bị đưa ra xét xử trong vụ Chuyến bay giải cứu, trong đó có cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao ông Tô Anh Dũng và ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh

Không loại trừ khả năng vụ này liên quan tới nhân vật lớn, như đã từng xảy ra với trường hợp của các tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An - hai tập đoàn này cũng trúng nhiều gói thầu hàng chục ngàn tỉ đồng được cho là "bất thường".

Xét về mối quan hệ cơ bản thì bên chủ đầu tư các công trình cây xanh là chính quyền các địa phương. Do đó, các hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu", "đưa hội lộ", "nhận hối lộ" nếu có xảy ra như cáo buộc thì hẳn có sự tham gia của cán bộ nhà nước.

Báo Công Thương đã nhắc tên cựu Chủ tịch UBND quận 12, TP HCM là ông Lê Trương Hải Hiếu là người đã ký gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng và chỉ có một mình Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu và trúng thầu. Ông Hiếu là con của ông Lê Thanh Hải, người vừa bị kỷ luật, cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng.

Việc các tập đoàn Thuận AnPhúc Sơn bị điều tra đã dẫn đến một số vụ bắt giữ các quan chức, lãnh đạo cấp tỉnh và cả ủy viên Trung ương Đảng.

"Bộ Công an chưa khởi tố một bị can nào, trong khi vụ Thuận An và Phúc Sơn, các lãnh đạo của tập đoàn đều bị khởi tố, bắt giam và sau đó tới các quan chức. Điều này cho thấy có thể là họ đang cân nhắc thu thập thêm bằng chứng để bắt và khởi tố một lượt. Hoặc là họ đang dùng vụ án này để 'giết gà dọa khỉ', nhằm thương lượng hoặc kìm hãm các phe phái trong cuộc đấu đá quyền lực.

"Nếu chống tham nhũng là không vùng cấm, không ngoại lệ thì sớm muộn vụ việc cũng sẽ được giải quyết triệt để, thấu đáo và những cán bộ nào tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ bị lôi ra xử lý. Vì nếu không làm vậy, có khả năng sẽ để lọt lưới một số quan chức và những người này lại được nằm trong quy hoạch nhân sự Đại hội 14," một nhà quan sát giấu tên nhận định với BBC.

Chụp lại video, Bắt ông Phạm Thái Hà: Vụ án Tập đoàn Thuận An tại sao gây chấn động?

Vụ Thuận An có ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị khởi tố, bắt giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Việc ông Hà bị bắt được cho là đã khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải "xin thôi chức", nếu chiếu theo Quy định 41 của Bộ Chính trị, dù trong thông cáo về vụ "thôi chức" của ông Huệ không nêu rõ ràng mối liên hệ này.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15 cũng đã bị khởi tố cùng tội danh với ông Hà trong vụ án Thuận An.

Vụ án Phúc Sơn đã khiến bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Đại biểu Quốc hội khóa 15, bị khởi tố, bắt giam.

Bên cạnh đó, một số quan chức khác như Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi là ông Đặng Văn Minh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh này là ông Cao Khoa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi là ông Lê Viết Chữ cũng bị khởi tố.

Vụ án Phúc Sơn còn được cho là có liên quan đến việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khiến ông bị mất chức, cụ thể là ông Thưởng đã có những sai phạm trong thời gian làm Bí thư tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014.