Trung Quốc ‘mời Mesut Ozil thăm Tân Cương’

Mesut Ozil prays before Arsenal's game against Manchester City

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Mesut Ozi

Trung Quốc nói cầu thủ Mesut Ozil của Arsenal đã "bị tin giả lừa gạt" nên mới chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề người Hồi giáo Uighur.

Ozil, theo Hồi giáo, đã gọi người Uighur là "các chiến binh chống lại đàn áp" khi viết trên mạng xã hội.

Anh phê phán Trung Quốc và cả sự im lặng của người Hồi giáo.

Người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, ngày 16/12, nói tiền vệ người Đức, 31 tuổi, đã bị "ảnh hưởng vì các bình luận sai".

Ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc mời Ozil đến thăm khu tự trị Tân Cương.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng một triệu người, chủ yếu là người Hồi giáo Uighur, đã bị giam giữ tại các trại tù mà không qua xử án.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, nói rằng có những người được giáo dục tại "các trung tâm tự nguyện" để chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Sau khi Ozil đăng bình luận, đài nhà nước Trung Quốc CCTV đã bỏ trận Arsenal gặp Manchester City trong giải Premier League ra khỏi lịch chiếu.

Trang hâm mộ Ozil trên Baidu đã bị chủ trang xóa và nói "vì lợi ích quốc gia, thú vui cá nhân của tôi có gì quan trọng".

Tài khoản của chính Ozil ở Weibo vẫn giữ nguyên, mặc dù đã không cập nhật từ ngày 11/12.

Người phát ngôn Cảnh Sảng nói: "Có vẻ anh ta đã bị tin giả lừa gạt."

"Nếu Ozil có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng để anh ta đến Tân Cương mà xem."

Áp lực ngày càng gia tăng lên Bắc Kinh trong những tháng gần đây.

Hàng loạt báo cáo truyền thông quan trọng dựa trên các thông tin rò rỉ cho New York Times và Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho thấy những gì đang xảy ra tại các trung tâm này, nơi được tin là đang giam giữ hơn một triệu người, chủ yếu là người Hồi giáo Uighur và các dân tộc thiểu số khác.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật để phản đối cái gọi là "giam giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối" người Uighur, và kêu gọi "trừng phạt có mục tiêu" các thành viên của chính phủ Trung Quốc - và đã đề xuất người đầu tiên bị trừng phạt là Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tại vùng tự trị Tân Cương, ông Chen Quanguo.

Dự luật này vẫn cần được Thượng viện và Tổng thống Donald Trump thông qua.

Điều gì đang diễn ra ở Tân Cương?

Các báo cáo về các trại tập trung đang được mở rộng bắt đầu xuất hiện năm 2018, khi một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được cho hay rằng có những cáo buộc đáng tin về việc Trung Quốc đã "biến vùng tự trị Tân Cương thành một nơi giống một trại giam giữ khổng lồ".

Các nhóm nhân quyền cũng cho hay đã có nhiều bằng chứng về các giám sát cưỡng bức đối với người dân sống trong vùng.

Giới chức Trung Quốc nói rằng "các trung tâm đào tạo nghề" này được sử dụng để chống lại chủ nghĩa tôn giáo cực đoan bạo lực.

Tuy nhiên các chứng cứ chỉ ra rằng nhiều người bị giam giữ chỉ đơn giản do họ thể hiện đức tin của mình, bằng cách cầu nguyện hoặc che mạng, hoặc có các mối quan hệ với những người ở nước ngoài, như ở Thổ Nhĩ Kỳ.