Skip to main contentAccess keys helpA-Z index
BBCVietnamese.com
chinese
russian
french
Other Languages
 
09 Tháng 9 2008 - Cập nhật 14h58 GMT
 
Gửi trang này cho bè bạn   Bản để in ra
Ở tuổi 60, Bắc Hàn thách thức thế giới
 

 
 
Bắc Hàn vẫn là quốc gia cộng sản bí mật nhất thế giới
Bắc Hàn vẫn là quốc gia cộng sản bí mật nhất thế giới
Nếu Bắc Hàn chỉ có một lý do duy nhất để ăn mừng nhân dịp sinh nhật 60, có lẽ đó là sự tồn tại của nước này.

Suốt mấy thập niên, Bắc Hàn thách đố nhiều nhà quan sát bên ngoài, những người dự đoán nó sụp đổ tới nơi.

Các nước cộng sản khác đã bị ngọn sóng lịch sử uốn nắn hoặc bẻ gãy.

Trung Quốc và Việt Nam đã hoan nghênh lực đẩy thị trường, mở cửa ra với thế giới và Cuba có vẻ đang chập chững tiến gần hơn khả năng cải cách thêm.

Nhưng Bắc Hàn vẫn bướng bỉnh là nhà nước cộng sản bí mật nhất thế giới.

Và hầu như mọi ghi chép khách quan đều cho rằng đây là một thảm họa kinh tế.

Ngày nay, Nam Hàn là nền dân chủ đầy sinh lực, với kinh tế phồn thịnh, sản xuất xe hơi, tivi cho mọi nơi trên địa cầu.

Bắc Hàn là nhà nước độc đảng với hệ thống nông nghiệp vẫn như thế kỷ 19, không thể giúp chính dân của mình no bụng.

Đổ nát kinh tế

Nhưng câu chuyện không phải luôn như vậy.

Hai nước Triều Tiên hiện đại ra đời sau khi quân đồng minh đánh bại Nhật trong Thế chiến Hai.

Trong 20 năm kế tiếp, hai nước có vẻ là đối thủ ngang tài.

Trong giữa thập niên 1970, GNP đầu người ở miền Bắc cao hơn miền Nam, theo một số ước tính.

Năm 1984, Bắc Hàn còn gửi trợ giúp lương thực cho Nam Hàn.

Đang có đồn đoán về sức khỏe ông Kim Jong-il

Nhưng như các nền kinh tế tập trung kiểu Sô Viết khác, mầm mống suy sụp kinh tế Bắc Hàn đã có từ lâu.

Nam Hàn chọn lựa dân chủ, xóa sổ các lãnh đạo quân đội.

Đến đầu thập niên 1990, không còn trợ giúp của Liên Xô, Bắc Hàn đối diện trận đói cướp đi có tới triệu mạng người.

Paik Nak-chung là giáo sư danh dự ở Đại học Quốc gia Seoul.

Ông đồng quan điểm với phe tả tại Nam Hàn trong cách giải thích vì sao Bắc Hàn không chịu số phận như các đồng minh Chiến tranh Lạnh.

Ông nói sự có mặt quân sự của Mỹ tại Nam Hàn chỉ củng cố chính quyền miền Bắc.

Theo ông, “khả năng xâm lược Bắc Hàn của Mỹ, dù thực hay giả, cũng khiến nhân dân Bắc Hàn ủng hộ chính thể.”

Lo ngại quốc tế

Dĩ nhiên quần chúng Bắc Hàn luôn được nhắc nhở rằng thế giới bên ngoài đe dọa sự sống của họ.

Giáo sư Andrei Lankov, Đại học Kookmin của Seoul, đã từng sống và học ở Bình Nhưỡng.

Ông có giả thiết khác để nói vì sao Bắc Hàn vẫn kiên cường đến giờ này – nó không sụp đổ vì cộng đồng quốc tế không muốn.

Theo ông, “bên ngoài sợ sụp đổ, nên không ai gây sức ép đủ mạnh.”

Sự chênh lệch kinh tế làm khổ các công dân Bắc Hàn cũng có nghĩa là nếu biên giới sụp đổ, các láng giềng sẽ chịu khủng hoảng kinh tế.

Cũng vì lý do đó, ông tin tưởng, mà không ai bên trong Bắc Hàn dám thách thức lãnh tụ Kim Jong-il.

Ông Lankoy nói: “Không ai dám, vì cả hệ thống sẽ đổ, kéo theo cả người đổi mới và bảo thủ.”

60 năm trước, Bắc Hàn ra đời với viễn kiến cải cách ruộng đất, tăng sản lượng nông nghiệp, đem lại tự do cho người lao động.

Năm 1949, họ tự nhận là quốc gia Á châu đầu tiên xóa bỏ mù chữ.

Ở tuổi 60, nước này bị xem là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nhưng hẳn phải có cái gì để ăn mừng chứ, tôi hỏi ông Lankoy.

“Có lẽ không,” ông nói.

“Bắc Hàn đã vượt mặt thế giới bằng cách làm cả dân tộc đông cứng vì sợ hãi. Sự sống sót chẳng phải là lý do để ta ngưỡng mộ một quốc gia.”

 
 
CÁC BÀI LIÊN QUAN
Bắc Hàn mừng quốc khánh 60 năm
09 Tháng 9, 2008 | Thế giới
Bắc Hàn 'ngừng giải giáp hạt nhân'
26 Tháng 8, 2008 | Thế giới
Kêu gọi tăng viện trợ cho Bắc Hàn
03 Tháng 6, 2008 | Thế giới
TIN MỚI NHẤT
 
 
Gửi trang này cho bè bạn   Bản để in ra
 
   
 
BBC Copyright Logo ^^ Trở lại đầu
 
  Trang chủ| Thế giới | Việt Nam | Diễn đàn | Bóng đá |Văn hóa | Trang ảnh |
Chuyên đề| Learning English
 
  BBC News >> | BBC Sport >> | BBC Weather >> | BBC World Service >> | BBC Languages >>
 
  Ban Việt ngữ | Liên lạc | Giúp đỡ | Nguyên tắc thông tin cá nhân